Trời Việt trên đất Tiệp
Jaroslav Rudiš
Người ta đến đây đông nhất là vào cuối tuần, nhưng kể cả trong tuần ở đây cũng khá là nhộn nhịp. Hàng đòan xe tải ngắn hoặc dài, rỗng hoặc chất đầy hàng lăn qua cái cổng sắt xanh, các xe con thì tìm cách lượn lờ chen qua giữa các xe tải để tiến vào. Sapa là tên một cái chợ Việt nam lớn nhất ở Cộng hòa Tiệp, nơi người ta có thể mua được mọi thứ từ tôm sống cho đến quần áo, vé máy bay và cả hoa nhựa nữa. Nhưng cái địa danh bên lề của Praha này còn có ý nghĩa hơn như thế rất nhiều - nó là một thành phố thực thụ trong lòng một thành phố. »Sapa là một Việt nam thu nhỏ", Hà Ngọc Linh nói, một sinh viên 24 tuổi của một trường Đại học tư nhân. Anh đang phải nghỉ học - vì công việc trong một văn phòng của một trong bốn công ty thương mại ở đây sẽ đem lại đồng lương để anh sau này lại có thể quay về học tiếp. » Ở đây thực sự là có tất cả. Tôi đến đây ăn, đi cắt tóc và hát Karaoke. Chỉ có uống bia là tôi đi ra ngòai, đến quán bia Tiệp", chàng thanh niên cười và quay ra ăn tiếp bữa trưa của mình: trên bàn làm việc, ngay trước mặt cái máy tính, một bát phở bò bốc hơi thơm nức.
Nhưng thật sự mùi vị Việt nam như thế nào và người Việt nam sống ở Praha ra sao thì nhiều người Tiệp chẳng biết tý gì. Họ chỉ thấy người Việt nam có mặt trên các chợ hay là ngày càng nhiều người bán hàng trong các cửa hàng thực phẩm hay hoa quả trong thành phố, nơi họ rút quân về từ những chợ biên giới buôn bán càng ngày càng thua kém. Những người khác đi làm thuê trong các nhà máy của Tiệp. Nhiều người Tiệp đánh giá cao tính chăm chỉ và nhiệt tình lao động của họ, những người khác còn phải phấn đấu rũ khỏi mình cái áo chòang kỳ thị chủng tộc cố hữu của dân bản xứ và nỗi lo sợ những cái mới và cái khác biệt. Nhưng mà tất cả, dù chỉ là thỉnh thỏang, đều mua hàng của người Việt nam. »Ở Tiệp chính thức có khỏang 60.000 người Việt nam sinh sống", cô Hanka Daňková nói, cô 28 tuổi, thành viên Câu lạc bộ Hà nội, một tổ chức do quỹ châu Âu tài trợ và vừa mới chuyển văn phòng của mình đến khu nhà lắp ghép cao tầng bên cạnh khu chợ này. Từ cửa sổ của văn phòng nhỏ này chị có thể nhìn tòan cảnh chợ Sapa từ trên cao, nó được xây dựng lại trên nền của một khu lò mổ cũ và mang tên một vùng nghỉ mát nổi tiếng miền núi phía Bắc của Việt nam. Từ đây chị cũng có thể nhìn xuống cái kho hàng vừa mới bị cháy trụi và bây giờ đang được xây dựng lại. »Ban đầu chúng tôi muốn tìm hiểu và quảng bá về văn hóa Việt nam và về cộng đồng người Việt tại đây. Nhưng bây giờ chúng tôi tập trung vào việc tư vấn và tổ chức những khóa học hội nhập nhằm giúp đỡ những người Việt nam hội nhập vào xã hội Tiệp".
Câu lạc bộ Hà nội dành nhiều họat động cho giáo dục và đào tạo - chẳng hạn như họ tổ chức những khóa học tiếng Tiệp không mất tiền - và giúp đỡ người Việt trong các hòan cảnh khó khăn. » Trong thời kỳ kinh tế phát triển của những năm 2006 đến 2007 đã có 20.000 người Việt nam sang Tiệp. Nhiều người đã phải vay mượn tiền ở Việt nam để sang đây, vì riêng tiền môi giới việc làm người ta đã phải trả trung bình là 10.000 Dollar cho các công ty môi giới. Nhưng sang Tiệp một thời gian nhiều người lại bị mất việc và sa vào bẫy của nợ nần. Họ không thể quay trở về và buộc phải đi làm chui với đồng lương chết đói trong những điều kiện làm việc tồi tàn", Hanka Daňková giải thích. Cũng chính những món nợ khủng khiếp như vậy cách đây một năm đã đẩy một chàng thanh niên Việt nam đến chỗ tự vẫn. Anh ta đã treo cổ tự tử ngay trong chợ Sapa này.
Tschechoslovakovietnam
Linh Nguyễn sinh năm 1986 tại một thành phố nhỏ thuộc Slovakia. Anh đi học trường chuyên Gymnasium ở Děčín ở phía bắc Böhmen và hiện nay học đại học ở Praha môn chính trị học và nghiên cứu lãnhthổ. Anh tự khẳng định mình là một người yêu nước Slovakia, Tiệp và Việt nam.
»Tôi vẫn hay đùa về gốc gác của mình và những cảm nhận về con người mình là ai. Con người ta đôi khi thấy bối rối khi có một gốc gác như tôi. Bây giờ thì tôi đã có thể định nghĩa mình đúng và đồng thời có thể diễn tả được rõ nét như sau: Tôi là một người Tiệp, gốc Việt và sinh ra ở Slovakia. Về tính cách thì tôi đúng là một người Tiệp vì tôi có khả năng phê bình tất cả mặc dù mình chẳng biết gì, tôi chăm chỉ như một người Việt nam và thấy con gái Slovakia rất xinh", chàng trai trẻ cười to và gọi quê hương thứ hai của mình là Việt nam mặc dù anh về thăm đất nước đó rất thất thường.
Anh suy ngẫm về những điều kết nối giữa người Việt nam và người Tiệp như sau: »Trước hết họ giống nhau ở những bối cảnh lịch sử của tinh thần dân tộc của mình: một dân tộc nhỏ chống lại những kẻ thù lớn. Vì vậy họ đều phải huy động mọi sức lực của mình từ những kinh nghiệm lịch sử đau đớn của dân tộc và từ những nhận thức về bản thân. Cả hai dân tộc đều chứng tỏ qua nhiều hòan cảnh khác nhau tính sáng tạo cao và thận trọng trước cái lạ và cái mới". Linh Nguyễn nhận xét: khác với người Tiệp, người Việt nam có tinh thần trách nhiệm cao hơn đối với gia đình và xã hội xung quanh và có ý chí phấn đấu cao hơn để tiến về phía trước.
Bố mẹ của anh là ông bà chủ nhà hàng, còn anh hoạt động chính trị cho đảng Liberálové.CZ và cũng đứng trên danh sách ứng cử của đảng này tranh cử vào quốc hội châu Âu. Chính trị gia mà anh ngưỡng mộ không phải một ai trong hàng ngũ chính trị Tiệp luôn dính dáng đến những vụ skandale này khác mà là tổng thống Mỹ Barack Obama. »Chính trị Tiệp đã từ lâu chìm đắm trong khủng hỏang và tôi có cảm giác là tình trạng đó đang ảnh hưởng không tốt tới tòan bộ xã hội Tiệp. Đưa một nền chính trị ra khỏi tình trạng này không phải là nhiệm vụ của riêng ai, mà của cả một thế hệ. Tôi tin là tôi sẽ thuộc vào thế hệ đó", Linh giải thích.
Theo ý kiến của anh người Việt có thể có cuộc sống tốt ở Tiệp, nếu không nói đến một số khó khăn có tính chất quan liêu và xã hội. »Cũng không thể so sánh mối quan hệ giữa các thế hệ (của hai dân tộc). Bố mẹ chúng tôi sinh ra trong một thế giới đầy bom đạn chiến tranh. Tôi sinh ra và lớn lên trong một môi trường hòan tòan khác, tự do hơn và vật chất đầy đủ. Tôi không phải chiến đấu để tồn tại, nhưng mọi người lại chờ đợi ở tôi cũng phải phấn đấu hệt như vậy. Sự thành đạt của tôi là thành đạt của cả gia đình".
Những đứa con »họ nhà chuối"
Từ đầu những năm của thập kỷ 70 đã có rất nhiều người Việt nam sang Cộng hòa Tiệp Khắc trước đây. »Họ chủ yếu được đào tạo trong các nghề kỹ thuật hoặc học tại các trường trung học công nghiệp. Sau khi học xong lý thuyết và thực hành, họ đã trở về Việtnam. Thời kỳ đó cũng có nhiều người Việt nam học đại học ở đây. Chính những người đó đã có cơ hội thu thập kinh nghiệm tại đây và cũng kinh doanh rất thành công sau khi thay đổi chế độ chính trị", cô Hanka Daňková nói và gọi một cốc cà phê ngọt và rất đặc mang nhãn hiệu Trung Nguyên, một lọai cà phê được trồng ở Việt nam.
Người bán cà phê kéo theo một cái xe nhỏ kiểu đặc biệt phục vụ những người bán hàng trong chợ, trên xe gắn một cái đài thường để lắp trong ô tô, từ loa của nó phóng ra những điệu nhạc lãng mạn Việt nam . Ông ta cho cái quán cà phê di dộng của mình dừng lại đúng trước cửa một trong các tiệm cắt tóc. Chỉ cách vài bước nữa là đến một vườn trẻ Việt nam và ban biên tập tờ báo của chợ. Nhưng chúng tôi lại đi xem một ngôi chùa đạo Phật nằm ở một góc trong chợ Sapa.
Đó là một góc nhỏ yên tĩnh, không khí lãng đãng mùi thơm của những nén hương như muốn làm cầu nối những người đang cầu nguyện với những người đã đi sang thế giới bên kia. Trên một góc sân nhỏ có một cái lò đốt xây bằng gạch nhưng không phải để nướng xúc xích. Người Việt nam đến đây để đốt cúng dường cho tổ tiên những đồng tiền giả bằng giấy đặc biệt. Phần lớn là những đồng Dollar Mỹ giả. »Năm 1990 tôi sang Tiệp Khắc để học đại học bằng học bổng của chính phủ. Năm 1991 tôi được nhận vào trường Tổng hợp Karl học ngành báo chí và thông tin đại chúng. Thực ra sau khi học xong tôi muốn về nước nhanh như có thể, nhưng tôi lại nhận làm phóng viên nhiếp ảnh tự do cho tờ nhật báo quan trọng nhất của Tiệp là tờ MF Dnes.
Hơn thế tôi đã gặp được tình yêu của đời tôi ở đây. Người bạn đời của tôi là một người Tiệp và anh là lý do tại sao tôi vẫn còn ở đây", Nguyễn Phương Thảo kể, một cô gái sinh năm 1972 tại Hà nội. Cô yêu nước Tiệp nhưng tự coi mình là công dân thế giới và lo lắng trước sự lớn mạnh của chủ nghĩa cực hữu. »Vì tôi sinh ra ở Việt nam và khi lớn rồi mới sang Tiệp nên tôi không thể nói tiếng Tiệp như tiếng mẹ đẻ được. Và tôi cũng rất chịu ảnh hưởng của nền giáo dục truyền thống của Việt nam, nên tôi được xếp vào thế hệ thứ nhất ở đây. Thế hệ thứ hai là những người được sinh ra ở Tiệp và ngay từ đầu đã đi học phổ thông ở đây thì người ta gọi là những đứa con »họ nhà chuối": vỏ vàng, ruột trắng", Thảo nói, một trong những nhiếp ảnh xuất sắc nhất của ban biên tập báo MF Dnes hiện nay.
Theo cô, bức tranh đặc trưng nhất về người Việt nam là hình ảnh người bán hàng ngòai chợ. »Ở Việt nam hiện nay là kinh thế thị trường và kinh doanh nhỏ là hình thức phổ biến nhất. Giá mà những người bán hàng hay bồi bàn của Tiệp chỉ cần sẵn sàng phục vụ khách hàng từ sáng đến tối và luôn làm việc với một nụ cười trên môi như một người bán hàng bình thường của Việt nam thôi thì đã có thể nâng nền kinh tế Tiệp và chất lượng cuộc sống ở đây lên rất nhiều".
Một chuyện tình
Mặt trời xế chiều đã ngả dài xuống chợ Sapa. Tôi cùng với Hanka Daňková ngồi vào một trong những quán ăn trong chợ và ăn món vịt chiên thượng hảo hạng với mỳ. Chúng tôi chấm những miếng thịt vào bát nước chấm ma-gi tỏi. Chúng tôi là những người Tiệp duy nhất ở đây. Ở bàn bên người ta đang chuyền nhau chai Wodka, chắc là liên hoan gì đó. Ở giữa nhà mọc hai cây lớn, các thân cây mọc xuyên qua cả mái nhà. Nhà chức trách không cấp giấy phép cho họ được chặt cây, nhưng người Việt nam tìm ra giải pháp đơn giản là xây xung quanh thân cây. Ở một trong những cái quánnhư thế này Hà Ngọc Linh đã cùng bạn bè quay bộ phim Một chuyện tình. »Đó là một câu chuyện hài của Sapa, chuyện kể về một cô gái và hai chàng trai, một người thì nghèo, còn người kia thì giầu", anh kể và để cho chúng tôi phỏng đoán xem cuối cùng thì người đẹp kia sẽ dành trái tim cho ai. Họ đã quay phim giữa những kho hàng với những thùng hàng đồ sộ bằng một cái máy quay phim nhỏ và thay vì dùng đèn chuyên dụng họ dùng đèn pha của ô tô làm đèn chiếu sáng. Bộ phim có tiếng vang lớn trong cộng đồng người Việt, và không chỉ ở đó, đài truyền hình Tiệp đã phát cuộc phỏng vấn Linh về bộ phim đó.
Có thể là bộ phim Một chuyện tình đã thành công như vậy là nhờ Ha Ngoc Linh đã có cách nhìn các vấn đề của người Việt nam qua một lăng kính của hài hước và khỏang cách cần thiết. Và không chỉ đối với người Việt nam mà còn đối với cả người Tiệp anh cũng không nương nhẹ chút nào. »Các bạn chẳng biết phân biệt người Việt nam chúng tôi với người Trung quốc chút nào cả. Nhưng chúng tôi cũng vậy thôi. Các bạn trông cũng giống hệt người Đức!"
Bản dịch từ tiếng Đức: Phùng Hằng Thanh
http://mirrors.creativecommons.org/international/vn/translated-license.pdf