Cuộc giải cứu khỏi địa ngục Pulau Bidong
Mùa hè năm 1979 việc viết báo không đủ nữa. Báo Die Zeit (Thời đại) đã giải cứu 275 người Việt nam tị nạn về đến Hamburg.
bài viết của Gabriele Venzky
Không ở đâu trên thế giới này lại hoan nghênh đón chào người tị nạn cả. Ở Đức cũng vậy thôi. 7 triệu người lang bạt sau khi kết thúc Đại chiến thứ hai, gần 6 triệu người tị nạn bỏ trốn khỏi DDR: không nơi đâu trên thế giới này quen thuộc với trốn chạy như chúng ta. Nhưng ngay cả là đồng bào của nhau chúng ta cũng chỉ nghiến răng cưu mang nhau.
Thế mà năm 1979 đã diễn ra sự kiện có một không hai trong lịch sử tại Cộng hòa Liên bang Đức. Đó là khi những chính trị gia còn tìm cách biện bạch nào là Quota nhận người đã hết, nào là những trại tị nạn đã chật cứng, thì người dân Đức đã chủ động vào cuộc. Họ quyết đinh cứu giúp những người xứ lạ, không quen biết. Với tấm lòng nồng nhiệt chưa từng có và tinh thần tương trợ bột phát họ đã giang tay đón nhận những người mà các nước khác trên thế giới làm ngơ. Đó là câu chuyện của những thuyền nhân Việt nam mà trong đó tờ báo Die Zeit đã đóng một vai trò không phải là nhỏ. Là câu chuyện của những con người đã mỉm cười vào lòng chúng ta.
Câu chuyện bắt đầu năm 1978. Cuộc chiến tranh Việt nam đã kết thúc được 3 năm. Cảnh tượng những máy bay trực thăng Mỹ cuối cùng cất cánh bay khỏi Sài gòn, dưới càng máy bay còn bám theo bao nhiêu con người hỏang lọan tột độ vẫn còn hằn sâu trong tâm trí chúng ta, và cả làn sóng tị nạn sau đó. Và bây giờ thì dòng người ra đi khỏi Việt nam vẫn không muốn dứt, lần này họ tìm cách vượt biển.
Họ đi trên những chiếc thuyền chài nhỏ và chen chúc đến nghẹt thở hướng về một phương trời vô vọng, không cả bản đồ và compas, cuối cùng sóng đánh trôi dạt đâu đó vào các bờ biển Đông nam châu Á, vào những mỏm đá bên bờ biển Hồng kông, nếu là may mắn. Nhiều người không gặp may. Họ bị hãm hiếp, đánh chết hay bị ném xuống biển và chết đuối. Cứ hai thuyền chở tị nạn vào vùng biển Thái lan thì một thuyền bị cướp. Cứ ba người thì một người bỏ mạng trên đường, người ta tính ra khỏang một nửa triệu ngưuời đã chết như thế.
Thời thơ ấu tôi còn nhớ đến một bức ảnh treo trên tường ở hành lang trường tôi. Bức ảnh ghi lại cảnh tượng một chiếc tầu biển chở kín người mang tên Exodus mang theo gần 4500 người sống sót Holocaust tìm cách cập bến Palästina nhưng bị chối từ không cho nhập cảnh. Một phần tư thế kỷ sau những hình ảnh giống hệt như vậy được gửi về trên bàn làm việc ở tòa sọan của tôi. Những con người tuyệt vọng lần này là người Việt gốc Hoa. Trong ban biên tập báo Die Zeit lúc đó tôi phụ trách mảng Đông Nam Á. Và những tin tức nóng hổi nhất với những con số thời sự nhất về cuộc trốn chạy tập thể khủng khiếp này cũng tràn về chỗ tôi.
Hàng tuần tập hồ sơ tin mới tôi phải báo cáo trong hội nghị biên tập cứ đầy dần lên. Cuối năm 1978 trong các trại tị nạn ở Đông Nam Á con số thuyền nhân đã lên đến 62000 người và còn tiếp tục tăng lên nữa. Ban biên tập về chính trị của báo Die Zeit sửng sốt triệu tập họp. Chúng ta phải làm gì để thức tỉnh thế giới chứ? Chúng tôi viết và viết, tôi còn viết cả một bài phân tích tổng hợp tình hình cho số báo đầu năm 1979. Bởi vì kể từ giờ phút này người ta tính theo ngày: một nghìn tị nạn, hai nghìn, bốn nghìn, đó chỉ là con số của những người sống sót.
Cao ủy Tị nạn Liên hợp quốc đã đầu hàng trước cuộc di dân này. Những quốc gia ở Đông nam Á cũng vậy. Họ còn tìm cách đẩy ngược ra biển những thuyền đánh cá ọp ẹp chở đầy tị nạn làm mồi cho cướp biển và thần chết. Trong lúc đó các chính trị gia phương Tây triệu họp hội nghị và bàn cãi về những kế họach nực cười. Nào là có lẽ người ta phải mua riêng một hòn đảo để chứa người tị nạn ? và người ta có thể làm một Singapur thứ hai lắm chứ. Rồi dần dần ngưuời ta lờ mờ hiểu rằng chính cộng sản Việt nam âm mưu xua đuổi tòan bộ người gốc Hoa ra khỏi Việt nam, tổng cộng một triệu rưỡi con người.
Rồi một ngày xuất hiện trên màn hình vô tuyến một con tầu mang tên Hải Hồng. Một cảnh tượng thế giới chưa từng nhìn thấy kể từ con tầu Exodus đến giờ: một con tầu, đúng hơn là một khung ván tầu mà người ta chen chúc trên từng zentimet của nó chật chứng người, 2500 con người bệnh tật, đói và khát. Không một quốc gia nào muốn cưu mang họ, mấy tuần liền khung tầu vỡ đó lênh đênh vô vọng ngòai khơi.
Hải Hồng đã trở thành biểu tượng của thảm họa này. Xã hội đen Hồng Kông bỏ chút tiền dollar mua rẻ nó cùng một lọat những chiếc tầu đánh cá ọp ẹp khác, giả vờ »bí mật" nhưng thực ra là dưới sự kiểm sóat của nhà trức trách Việt nam, nhận lên tầu những người Hoa muốn trốn khỏi Việt nam. Chỉ riêng khối hàng người trên tầu Hải Hồng đã đem về mười triệu Dollar. Vì thế nên nhà cầm quyền Việt nam quyết định tự kinh doanh vụ này, lần này thì bằng những tầu cá nhỏ kia. Một người phải trả từ 10 đến 20 lượng vàng (một lượng vàng bằng khỏang 37 gramm) nên một gia đình lớn muốn trốn đi sẽ mất ngay vài cân vàng một cách dễ dàng. Gần như cả một tầng lớp trung lưu của Việt nam đã bị tước hết của cải trước khi họ bị phó thác cho số phận ngòai biển khơi.
Những người sống sót thì không ở đâumuốn nhận. Đối với nhiều người trước đây đã từng hô »Hồ Hồ Hồ Chí Minh » thì sự việc quá rõ ràng: ai đã có nhiều vàng để đổi lấy tự do thì chỉ có thể là tầng lớp sâu bọ ăn bám theo cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ, chỉ là những chủ hộp đêm hay là tên tư bản bóc lột nhân dân. Đối với nhà nước DDR, nơi mà những công nhân Việt nam đang vất vả lao động vì Việt nam nghèo đói không đủ sức hòan lại viện trợ nước ngòai thì cũng không có vấn đề tị nạn. Những chính trị gia phương Tây tỏ ra sắc sảo cũng đi đến cùng một quan điểm như các nước Đông Nam Á: ai có tiền chi trả để trốn đi được sẽ thuộc diện những người nhập cư trái phép và thế là không thể được cứu vớt như tị nạn.
Cho đến khi Thống đốc bang Niedersachsen Ernst Albrecht do ấn tượng sâu sắc trước cảnh tượng thê thảm của Hải Hồng tuyên bố tiểu bang của ông sẵn sàng nhận cứu 1000 người trên chuyến tầu này thì Chính phủ Liên bang cũng tuyên bố »sau này" sẽ nhận thêm 900 người nữa. Chỉ riêng trên đảo Pulau Bidong lúc đó đã chen chúc đến 40.000 thuyền nhân.
Bên cạnh Hải Hồng thì Bidong là từ đồng nghĩa thứ 2 cho thảm kịch tị nạn này. Đó là một sườn núi dốc đứng trên biển, cách bờ biển Malaysia 15 dặm, không có người ở vì không có nguồn nước. Nhưng giờ đây tập trung trên diện tích 1 cây số vuông này là 40.000 con người. Vào tháng 6 năm 1979 các nước Đông Nam Á tuyên bố sẽ không tiếp nhận thêm bất kỳ một người nào nữa nếu các nước Công nghiệp phương Tây không nhanh chóng đón nhận 300.000 tị nạn đang có mặt trên đất của họ. Trong tháng này Malaysia đã gạt ra biển 54.000 người trên các thuyền thúng của họ, 76.000 người nữa vừa được tạm cứu cũng sẽ bị trả lại cho địa ngục biển. Hàng nghìn người mà thuyền của họ bị sóng đánh đắm dạt vào chỉ cách bờ có 50 mét thôi cũng bị chết đuối vì không ai cứu.
Chính trong những ngày này anh bạn nhà báo đồng nghiệp tờ Die Zeit là Joseph Joffe từ Bidong trở về mang đầy ấn tượng nặng nề. Bài báo » Vé đứng trong địa ngục" của anh không hề phóng đại. Nhưng Chính phủ Liên bang vẫn chần chừ. Ai là người sẽ chịu những chi phí đó cơ chứ? Vì hiện tại đang phải cưu mang 60.000 người hồi hương và 33.000 người đặt đơn xin tị nạn rồi. Chúng tôi trong ban biên tập của báo Die Zeit tranh luận mấy ngày liền là chúng ta có thể làm được gì để vận động được Cộng hòa liên bang Đức phải phóng khóang hành động. Chúng tôi hiểu rằng giờ đây chỉ viết thôi không đủ.#
»Bây giờ chúng ta phải hành động. Chúng ta phải cứu người tị nạn ra khỏi Bidong"., chủ nhiệm tờ báo là bà Marion Dönhoff quyết định và lập tức đặt bút thảo một bài xã luận lớn trong đó bà cất lời kêu gọi quyên góp. Tiếng vang hưởng ứng thật bất ngờ. Trong vòng thời gian ngắn đã thu được 2 triệu Mark. Một ông chủ công nghiệp, Kurt A. Körber, đóng góp ngay một nửa triệu Mark, 5 Mark từ một con lợn tiết kiệm của 2 em bé gái, một trại giam tù nữ cũng gửi đến 30 Mark bằng tem thư.
Báo Die Zeit liên hệ với Chính phủ Hamburg là người sẽ chịu trách nhiệm đón nhận và hội nhập, chúng tôi sẽ chi trả những phí tổn ban đầu và tiền chuyên chở đến Hamburg. Và thế là chúng tôi được bật đèn xanh cho 250 người tị nạn. Ngày 02.08. tôi đã cùng chị đồng nghiệp Margit Gerste, ông nhiếp ảnh viên nổi tiếng qua chiến tranh Việt nam Hilmar Pabel, 2 nhân viên Chữ thập đỏ có nhiệm vụ chọn lọc những người tị nạn được cứu, hạ cánh xuống địa ngục. Mùi hôi thối sực lên, vì tổng cộng chỉ có 4 cái hố vệ sinh, chật chội đến nghẹt thở, nóng ngột ngạt, và bên bờ nước, đằng sau đám thuyền vượt biển để trốn chạy chỉ còn như một bộ khung xương tơi tả là hàng lọat tầu chiến của Malaysia chở đạn đại bác dàn hàng.
3 tiếng đồng hồ từ đất liền ra đến đây, cần 3 tiếng nữa để quay về, được phép dừng ở trên đảo 2 tiếng, không một người ngọai quốc nào được ởđây qua đêm. Làm sao mà làm việc được bây giờ? Chúng tôi muốn đón đi những trường hợp vô vọng, những con người không ở đâu nhận: những gia đình đông người, trẻ em không có người lớn đi cùng, những người không nói được ngọai ngữ phương tây, những người không có họ hàng thân thích ở Mỹ, những người già và bệnh tật. Vì vậy Hilmar Pabel và tôi quyết định trà trộn vào khối người tị nạn và nằm lại, để có cơ hội quan sát từ hậu trường sự tự giác tổ chức tuyệt vời của họ. Những ngày trên hòn đảo địa ngục này tôi sẽ không bao giờ quên.
Những người tị nạn đã tìm mọi cách làm cho cuộc sống của chúng tôi ở đây dễ chịu như có thể và chia xẻ với chúng tôi lương thực ít ỏi của mình. Chúng tôi tìm ra nhiều thành viên của các gia đình không được ghi đầy đủ trong danh sách của chúng tôi. Ngày 07.08. khi chúng tôi đi bằng hai chiếc tầu tị nạn tiến về hướng trại trung chuyển thì trên tầu là 274 người chứ không phải 250 người . Ông thị trưởng thứ nhất Ortwin Runde là người thay mặt thành phố Hamburg đón tiếp chúng tôi, sau rồi cũng đồng ý nhận con số này.
Ngày13.08. ngày mà tầu Cap Anamur bắt đầu những họat động cứu trợ ở vùng biển Đông thì máy bay đầu tiên với những người tị nạn của chúng tôi đã cất cánh tại Kuala Lumpur, 2 ngày sau đến lượt chiếc máy bay thứ hai. 274 con người cùng một em bé được sinh ra trên đường đã được cứu. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là: chúng tôi đã đạt được mục đích. Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức quyết định đón nhận thuyền nhân.
40.000 người Việt nam, phần lớn là người gốc Hoa, đã tìm thấy ở Đức quê hương thứ hai của mình. Thời đó có người cho rằng: »Rồi xem đến 50 năm nữa họ cũng sẽ chẳng hội nhập được đâu". Thật là nhầm lẫn! 30 năm qua họ đã làm việc khiêm tốn và chăm chỉ, hầu hết họ sống trong nhà riêng hoặc trong căn hộ riêng, trợ cấp xã hội đối với họ là điều tối kỵ. Họ đã rèn luyện cho con cái mình chỉ có đem điểm 1 và 2 về nhà. Tỷ lệ thanh niên Việt nam tốt nghiệp phổ thông vào đại học cao hơn của người Đức. Nhữn đứa trẻ khi sang đây lúc còn nhỏ và đặc biệt các thế hệ sau này nói tiếng Đức hòan hảo. Lịch sử của những thuyền nhân là lịch sử của sự thành đạt.
Chúng tôi ngồi trong ngôi nhà nhỏ của gia đìnhVan Si An, một triệu phú trước đây của Sài gòn. Ở Hamburg Van trở thành người lái xe khách. 3con của ông đã học xong đại học. Hai người trở thành dược sĩ, người thứ 3 là cử nhân kinh tế thương mại, 4 đứa cháu chạy rầm rập trong nhà. Họ tích cực tham gia họat động công ích xã hội, con trai Van Huy Tam còn họat động chính trị cấp địa phương và giúp dỡ quá trình hội nhập tại các trườmg phổ thông. " chúng tôi muốn đáp ơn đất nước này". Ngồi cùng bàn còn có anh Gerhard Katsch,tuổi đã ngòai 80. Cách đây 30 năm anh đã giúp đỡ họ bước vào cuộc đời trên quê hương mới, hôm nay gia đình Van luôn có mặt khi anh cần giúp đỡ.
Bản thân tôi vẫn liên hệ mật thiết với những thuyền nhân của chúng tôi, nhiều người đã trở thành bạn tri kỷ. Trong nhà tôi treo một tranh thi pháp rất đẹp mà một người trong họ đã viết tặng tôi. Bức tranh kể về kỳ tích của những thuyền nhân của chúng tôi, và một câu nổi bật lên: " Các bạn đã cho chúng tôi được sống. Cảm ơn báo Die Zeit".