Giữa cơm rang mỳ xào và sự nghiệp
Địa lý Việt nam ở Berlin
Sascha Wölck
»Người ta đến đây cầu Phật để hỏi phải giáo dục con cái như thế nào hoặc xin được phù hộ cho một việc gì đó. Nhưng họ chẳng hiểu gì về Phật giáo«, Tân giải thích. Bản thân cô là một người tin Phật, 30 tuổi, ái nam, hai tay và nửa người bên trên dán đầy hình kiểu săm. Tân rủ tôi đến đây bằng được. Chúng tôi đứng trên khu đất của Hội Phật tử người Việt ở Berlin-Spandau và xem lễ khai trương một cái chùa mới xây trong vườn được tổ chức vào ngày lễ Vu lan báo hiếu.
Hơn một triệu Euro được cộng đồng người Việt ở đây quyên góp để 2009 xây xong Chùa Linh Thứu ở Spandau có cả hội trường cho phật tử và vườn. Kiến trúc của chùa có vẻ như là một cách suy diễn hiện đại bằng bê tông của ngôi chùa Một cột do Vua Lý Thái Tổ cho xây năm 1049 ở Hà nội. Giống như chùa Một cột, ngôi chùa này đứng trên một cột trụ thon nhỏ giữa một cái hồ nhân tạo. Chùa mở cửa cho tất cả mọi người và chủ nhật hàng tuần đều có cơm chay miễn phí cho khách viếng thăm chùa. Khác với Chùa Một cột ở Hà nội, chùa này là nơi tu hành của Phật tử chứ không phải là nam châm thu hút khách du lịch tòan cầu. Vì trong khi chùa Một cột ở trung tâm thủ đô Hà nội đứng xen giữa những công trình linh thiêng kiểu xã hội chủ nghĩa, như là ngôi nhà sàn giản dị của Hồ Chí Minh và Lăng không giản dị của người, thì ngôi chùa ở Spandau nằm ở ngọai ô phía tây của thành phố, bên cạnh láng giềng là những khu bán hàng đồ sộ màu xanh vàng của IKEA, cái ngai vàng hấp dẫn của chủ nghĩa tư bản toàn cầu.
Mặc dù ở nơi ẩn dật nhưng hàng trăm người đã đến dự lễ khai trương chùa và dồn đẩy nhau chen qua khu nhà và vườn. Thu, một thanh niên trẻ quàng một tấm áo chòang màu xanh xám, đứng phân phát hoa mọi người để ghim băng lên áo khoác. Nếu cha mẹ mình đã quá cố, người ta đeo hoa trắng, còn không thì hoa đỏ. Tôi hỏi anh người ta phải làm thế nào nếu không phải cả hai người đã mất, anh trả lời rằng tôi phải hướng theo người mẹ. Mẹ có nhiều công nuôi dưỡng mình hơn.
Trong các phòng ở tầng trên, ba tượng Phật bằng vàng ngự trên tòa sen. Đối diện là một bảng tên những Phật tử đã quá cố, phía trước bày lễ cúng dường, chủ yếu là rượu mạnh và hoa quả nhiệt đới. Trong một gian hàng chỉ có vài mét vuông, người ta có thể mua được những đồ dâng cúng Phật. Các phòng đều mịt mù hương khói cay xè nên khu vườn đã có sức thu hút mạnh mẽ hơn với mọi người. Trên sân cỏ người ta đã xếp các ghế băng dài, từ đó có thể nhìn lên được một sân khấu nhỏ. Trên sân khấu một thiếu niên đang đánh đàn keyboard để chiều lòng cha mẹ mình và tiếp tục chương trình, một nhóm các em gái múa các điệu múa dân gian và khua những cái nón vẽ hình lên không khí.
Một danh lam thắng cảnh thứ hai của Hà nội đã có hiện thân tương xứng ở Berlin, đó là Chợ Đồng Xuân. Ở Hà nội chợ Đồng xuân nằm ở phía bắc của trung tâm phố cổ, còn ở Berlin nó nằm trên đường Herzbergstrasse thuộc Lichtenberg - một trong những khu phố của Đông Berlin, nơi mà trong những năm tới cũng không có ai phải lo lắng là nó sẽ bị thượng lưu hóa.
Những điểm đồng nhất của hai khu chợ đó người ta không nhìn thấy được bằng mắt thường. Nếu như ở Hà nội người ta phải chen chân luồn lách qua các ngõ hẻm nhằng nhịt bên trong và bên ngoài ngôi nhà bề thế xây từ thời thuộc địa đó, vượt qua biển người đi thăm chợ, đi qua những đống hàng đồ còn tươi sống hay đã chết, thì chợ Đồng Xuân ở Berlin bao gồm những kho hàng lớn chạy song song nhau, trong từng kho hàng ở chính giữa có một lối đi xuyên qua. Mặt hàng phong phú nhất ở chợ là thực phẩm và quần áo, quán hàng ăn, hiệu cắt tóc, tiệm làm móng tay và các kho cung cấp vật liệu cho nó. Chợ này nổi tiếng vì món phở có tiếng là ngon nhất Berlin. Phần đông những người giao hàng trong chợ là người việt nam, nhưng cũng lác đác vài thương gia người Pakistan hay Thổ nhĩ kỳ. Khách mua hàng là những người buôn bán lẻ Việt nam, còn có cả những người Đức da trắng nghèo nàn từ những ngôi nhà lắp ghép cao tầng xung quanh chợ.
Ở chợ Đồng xuân tôi nói chuyện với anh Bình, một người bán rau quả ở Treptow. Anh giải thích cho tôi tại sao mà có nhiều cửa hàng bán hoa đến thế ở Berlin: » Ở Berlin chỉ có đúng hai kho bán hoa, mà một kho thì đã của người Việt nam kinh doanh. Vì người Việt nam sẵn sàng làm việc nhiều giờ và nhận lương ít nên hàng của họ vừa chất lượng lại vừa rẻ, đó chính là bí quyết thành công của họ«. Bình sang CHDC Đức năm 1988 là công nhân theo Hiệp định nhà nước. Sau khi nước Đức thống nhất, nhà máy của anh bị đóng cửa và anh chẳng có lựa chọn nào khác là phải tự hành nghề và đi bán hoa quả. Anh làm việc trong cửa hàng của mình một tuần 6 buổi, từ 4 giờ sáng đến 9 giờ tối. Ngữ pháp tiếng Đức anh học bên bàn tính tiền. Mùa thu vừa rồi lần đầu tiên anh có thời gian và có đủ tiền để về thăm quê cũ của mình là Hà nội. Mặc dù anh rất vui khi gặp lại người thân nhưng anh cũng không hình dung được có ngày nào đó anh về đó sinh sống lâu dài: » Ở đó quá nóng, không khí ngột ngạt và nhất là quá ồn ào«.
Khoảng cách giữa chùa Linh Thứu và chợ Đồng xuân là 30 kilometer. Người ta cũng có thể coi đó là gianh giới của địa hình kiến thiết cơ bản Việt nam giữa lòng Berlin, bên cạnh những quán cơm Việt nam đã được đánh bóng, thuốc lá trốn thuế, cửa hàng hoa và những tiệm làm móng tay nó còn có nhiều thứ khác nữa: người ta có thể học lái xe bằng tiếng Việt, trở thành hội viên của một Hội sinh viên Việt nam hay là nghỉ đêm tại một khách sạn Việt nam. Mặc dù nào là chợ Đồng xuân hay như chùa Linh Thứu cố tình gợi nhớ tới những biểu tượng của Hà nội, nhưng những cố gắng gây ấn tượng là cộng dờng người Việt như một »Hà nội nhỏ« vẫn thất bại. Những gì mà người đứng ngoài có ấn tượng như một cộng đồng tương đối hài hòa thì trên thực tế nó mang đầy những điều cách biệt, mà nguyên nhân của nó bắt nguồn từ xuất xứ và con
đường nhập cư của họ vào Đông Đức hay Tây Đức trước đây.
Ở Tây Đức và Tây Berlin những người Việt nam nhập cư chủ yếu là những thuyền nhân, còn gọi là những tị nạn được tiếp nhận. Phong trào ra đi của họ bắt đầu từ vài ngày trước khi cuộc chiến tranh 30 năm kết thúc và quân đội cộng sản miền Bắc tiến vào và thủ đô của miền Nam là Sài gòn bị sụp đổ mùa xuân năm 1975. Họ lo sợ bị trả thù vì người thân của họ từng đi lính trong quân đội Nam Việt hay đã từng làm việc cho chính quyền Việt nam cộng hòa. Hơn nữa lúc đó Việt nam đang rơi vào khủng hỏang kinh tế do chiến tranh tàn phá, mọi viện trợ về tài chính từ Mỹ cho miền nam Việt nam đã khô cạn.
Họ chạy trốn bằng đường biển và dấn thân vào nguy hiểm đến tính mạng. Những thuyền của họ đều không đủ khả năng vượt biển, bị đắm trong những cơn mưa bão trên biển Đông hay làm mồi cho cướp biển. Hơn 1,5 triệu người tìm cách trốn đi, hàng trăm nghìn người đã bỏ mạng. Nhiều tàu của Đức đã tham gia cứu trợ, nổi tiếng nhất là tàu Cap Anamur. Tổng cộng 40.000 người tị nạn đã được CHLB Đức cưu mang. Họ được công nhận tị nạn và được phân phối đều trên tòan CHLB Đức, để tránh tình trạng tập trung và hình thành những cộng đồng văn hóa cô lập. Một phương án có vẻ đã thành công: đặc biệt lịch sử của thế hệ thứ hai là ví dụ nổi bật cho quá trình định cư và hội nhập thành công ở CHLB Đức. Vài người đã leo lên địa vị cao nhất trong hàng chính trị Đức, chẳng hạn như Philipp Rößler hiện đang giữ chức Bộ trưởng Y tế.
Phong trào nhập cư lớn thứ hai của người Việt nam là phong trào của những người công nhân theo hiệp định nhà nước trước đây với DDR. Phần lớn họ là những người Bắc Việt. Hiệp định chính phủ giữa hai nước DDR và Việtnam đưa người Việt nam sang DDR lao động đã được ký vào tháng 4 năm 1980. Vì những tiêu chuẩn chọn lựa khá phóng khóang nên con số công nhân nhanh chóng lên đến 60.000 người, chủ yếu là ở các ngành công nghiệp dệt, xây dựng và công nghiệp luyện kim. Trong khi ở Tây Đức việc lưu trú của các thuyền nhân được đảm bảo lâu dài thì công nhân Việt nam chỉ được phép lưu trú ngắn hạn theo hợp đồng. Đầu tiên họ được cấp giấy phép lưu trú trong 4 năm và sau này, phụ thuộc vào trình độ có thể gia hạn được đến 7 năm. Việc đoàn tụ gia đình về nguyên tắc bị ngọai trừ và không khuyến khích.
Khi bức tường biên giới Berlin sụp đổ, phần đông những người công nhân đã sa vào cảnh thất thế. Họ bị đối mặt với những khủng bố về kỳ thị chủng tộc mà đỉnh cao của nó là những vụ bao vây tấn công ở Hoyerswerda và ở Rostock . Khi những nhà máy DDR bị đóng cửa họ đã mất đi nguồn sống, trong khi chính phủ Kohl cũng không quan tâm đến việc chấp nhận họ là di sản về chính trị và nhân đạo của chính quyền DDR. Mà ngược lại, ngày 06.01.1995 họ còn ký với chính phủ Việt nam một tuyên bố chung về việc thiết lập và củng cố mối quan hệ ngọai giao Đức - Việt. Trong đó CHLB Đức tuyên bố chi cho Việt nam 100 triệu DM khi Việt nam ký kết hiệp định nhận người Việt nam bị trục xuất vì không có giấy phép lưu trú và việc làm. Mãi đến năm 1997 công nhân Việt nam mới được cấp lưu trú vô thời hạn chắc chắn nếu họ chứng minh có việc làm và không có tiền án hình sự.
Những nguyên dân nhập cư khác nhau của công nhân theo hiệp định nhà nước và các thuyền nhân đã gây chia rẽ có tính chất chính trị những nhóm người này cho đến tận ngày hôm nay. Những định kiến cố hữu giữa người Bắc và Nam Việt nam mang tính truyền thống lâu đời hơn cả lịch sử nhập cư vào Đức hay lịch sử đất nước bị chia cắt. Nhưng người ta lại có thể dễ dàng phản bác những định kiến phân biệt Nam-Bắc qua nhiều tiểu sử khác nhau. Ví dụ như cuộc đời chị Thúy Nonnemann: chị là thành viên của Hội đồng những người nhập cư ở Berlin và Ủy ban xét những trường hợp đặc biệt. Gia đình chị xuất xứ từ Bắc kỳ, nhưng sau khi Việt nam bị chia cắt năm 1954, gia đình chị đã vào miền Nam tư bản sinh sống, vì cha chị cho chế độ Diệm là một mối nguy nạn nhỏ hơn. Nhưng là một nhà xuất bản tích cực ông đã gặp những khó khăn bất ngờ và do thái độ phê phán Diệm mà ông đã bị đi tù. Thúy học đại học Văn học Pháp và làm chiêu đãi viên. Năm 1966 chị đã gặp ông bác sỹ trưởng của chiếc tầu y tế Helgoland và hai năm sau chị đã theo bước ông về Berlin. Gần mười năm sau, khi những thuyền nhân đầu tiên đặt chân lên CHLB Đức, chị đã họat động công ích giúp đỡ họ. Những người Việt nam thời nay đến chị nhờ giúp đỡ phần nhiều là người miền Bắc và đang bị đe dọa trục xuất. Ngòai ra chị còn thường xuyên vào nhà tù Berlin-Tegel để thăm những tù nhân bị giam vì vào giữa những năm của thập kỷ 90 họ đã bị kết án phạm tội buôn thuốc lá lậu thuế, giết người và trấn lột, có những người phải chịu ngồi án chung thân.
Với thế hệ thứ hai thì sự phân biệt Bắc Nam có vẻ không còn ý nghĩa quan trọng nữa. Những thanh niện trẻ Việt nam phải chịu một áp lực lớn từ bố mẹ của mình là phải mang điểm tốt của trường về nhà, họ phải chịu hai gánh nặng là vừa phải làm việc giúp đỡ bố mẹ vừa phải cày cuốc học hành ở trường. Hiện thực cuộc sống của cha mẹ tương phản với hiện thực trong môi trường xã hội của họ gây ra nhiều mâu thuẫn dồn nén trong cuộc sống của gia đình.
Hiện giờ Berlin không còn bị chia cắt thành hai nửa Việt nam bên Đông và Tây nữa. Người Việt nam từ Bắc và Nam Việt nam từ lâu đã chinh phục tòan bộ thành phố cho mình. Không ở đâu thấy rõ hơn những hàng quán Việt nam mọc lên như nấm, ngày càng ít đi những quán ăn mang hiệu »China-Imbiss«, mà là những nhà hàng ẩm thực Việt nam sang trọng ở những khu vực đẳng cấp ở Đông và Tây Berlin. Nếu người ta bỏ qua những những tổ chức tội phạm vẫn tiếp tục họat động chủ yếu là buôn thuốc lá lậu thuế hay buôn người, thì nói chung người Việt nam được coi là những người »nhập cư dễ chịu« của Berlin. Họ chăm sóc bảo tồn văn hóa dân tộc cũng như xây dựng cấu trúc cơ bản của riêng mình mà không gây mâu thuẫn với xã hội số đông sở tại và những giá trị của nó. Họ là nhóm người nhập cư thành công nhất về xã hội và kinh tế, cho đến nay hầu như đã không trở thành gánh nặng của hệ thống xã hội. Những định kiến về tính khiêm nhường của người châu Á và bản tính hòa hảo mang tính chất Phật giáo giúp cho họ được xã hội số đông của người Đức không cảm thấy như là một mối đe dọa. Ở đây người ta ít nghi ngờ tới sự tồn tại song song một xã hội tách biệt nguy hiểm, mặc dù chính mạng lưới liên kết chặt chẽ giữa những người của thế hệ thứ nhất đã góp phần hạn chế đến mức tối thiểu sự giao lưu với xã hội sở tại bên ngoài. Và ở một chừng mực nào đó, mối quan hệ Đức-Việt ở Berlin đã được cân bằng giữa dịch vụ và cùng tồn tại hoà bình trong các thế giới riêng - với điều kiện phải có giấy tờ hợp lệ.
Sascha Wölck học đại học ngành Khoa học Đông Nam Á tại Tổng hợp Humboldt Berlin. Là cộng tác viên trong các đề án văn hóa Âu- Á. Hiện nay anh đang chuẩn bị một Hội diễn mang chủ đề » Người Việt nam nhập cư« tại Nhà hát Theater Hebbel am Ufer tại Berlin.
http://mirrors.creativecommons.org/international/vn/translated-license.pdf