Materialbox

Vùng Biên Giói

của Rimini Protokoll

Home

previous
deczvn

Seite empfehlen

Tôi đóng vai Thanh

© privat

Trên sân khấu, Dresden 2009 © Matthias Horn

Phùng Hằng Thanh, tên gọi là Thanh

sinh ngày 28.08.1962 tại Hà nội ( miền Bắc Việt nam). Chị đã sống qua thời chiến tranh dưới hầm tránh bom ở làng quê của mình. Cha mẹ chị tham gia kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Cha chị là chiến sỹ quân giới, sau này trở thành cán bộ giảng dạy tại trường đại học, mẹ chị là y tá trong quân đội, sau này trở thành bác sỹ.  Sau khi tốt nghiệp phổ thông chị sang du học ngành văn học và ngôn ngữ Đức tại Cộng hòa dân chủ Đức (Leipzig). Tình yêu tự do ngăn cản chị không quay trở về Việt nam. Số lần trốn đi khỏi DDR bị thất bại: 5. Đại gia đình chị sống rải rác trên thế giới:Việt nam, Đức, Mỹ, Hòa Lan, Đan mạch, Kanada, Úc... Kim chỉ nam của cuộc đời: » Đường đến chân lý là một tấm bản đồ lớn đã bị xé nhỏ nằm trong tay của nhiều người". Sau 1990 làm phiên dịch và biên dịch tiếng Đức và Việt. Hội trưởng hội phụ nữ Việt nam thành phố Dresden.

© privat

Trên sân khấu, Dresden 2009 © Matthias Horn

»Đất nước tôi"

Đất nước tôi khen ngợi tôi là »cháu ngoan Bác Hồ" và là học sinh giỏi được cấp học bổng du học đại học ngành văn học và ngôn ngữ Đức ở thành phố Leipzig.

Đất nước tôi dặn dò tôi phải »đem chuông đi đánh nước người".

Đất nước tôi chứng kiến cảnh tôi ra sức học tập và tích cực múa hát trong đòan văn công sinh viên quốc tế mang tên là » Đòan kết". Trong những ngày họat đông đoàn kết với Việt nam chúng tôi đã múa hát trước những phông màn có ảnh Hồ Chí Minh và những khẩu hiệu: »Tình đòan kết và hợp tác hữu nghị giữa nhân dân việt nam và nhân dân CHDC Đức muôn năm" hay là :" Chủ nghĩa xã hội càng vững mạnh thì hòa bình càng được đảm bảo"...

Đất nước tôi luôn sát bên tôi trong những ngày lao động cộng sản ngày mùa ở Leipzig. Ở trại hè hàng năm chúng tôi học chính trị và học Phê bình và Tự phê bình.

Trái với chương trình đào tạo của đất nước tôi dành cho tôi, tôi đã cưới bằng được một người bạn sinh viên Việt nam. Đám cưới tôi không khác gì một cuộc biểu tình của gần 200 bạn học.

Sau đó tôi đã tìm cách thóat khỏi vòng kiểm sóat của đất nước tôi và cùng với một bạn gái người Balan bí mật chuyển ra ở một căn hộ ngoài khu vực ký túc xá của trường.

Mặc dù vậy, sau khi tốt nghiệp đại học đất nước tôi vẫn thưởng cho tôi một chuyến đi du lịch thăm nước anh cả của phe XHCN là Liên bang Sovjet. Lúc đó là mùa hè 1986, vài ngày sau khi xảy ra thảm họa lò hạt nhân ở Tschernobyl.

Đất nước tôi thấy tôi quay trở về đầy thất vọng và hòai nghi tấm gương vĩ đại này.

Đất nước tôi đã trả lời đơn  xin học tiếp làm bằng tiến sỹ của tôi:  » Nước CHXHCN Việt nam không quan tâm đến việc tiếp tục đào tạo cử nhân ngôn ngữ học này"  ( như  thầy dạy của tôi thông báo lại) và lệnh cho tôi phải về nước.

Trong thời gian này tôi đã tìm cách đi trốn khỏi DDR.
Kế họach đầu tiên: tôi sẽ lên Ost-Berlin, ở đó một người bạn Đức sẽ chỉ cho tôi một lỗ hổng trong bức tường Berlin mà người ta chỉ cần đẩy nhẹ một khối betông là có thể chui qua sang bên kia một cách dễ dàng. Tôi hỏi anh ấy là thế đằng sau bức tường đó có súng liên thanh tự động và chó săn đợi sẵn ở đó không, anh ta trả lời là cũng không biết chính xác nữa.
Kế họach thứ hai: tôi đi tàu hỏa đến Groß Korbetha và đợi sẵn trên một cánh đồng, ở một vị trí mà một chuyến tàu của Tây Đức chạy qua DDR sẽ phải dừng ở đó vài phút vì phải chờ đèn đỏ. Sau khi lính biên phòng DDR đã rời khỏi tàu tôi sẽ nhảy lên tàu,  trình diện với lính biên phòng của Tây Đức và xin tỵ nạn.

Kế họach thứ ba: Tôi đi một chuyến tàu đến Belgrad, ở đó sẽ có người đón và đưa tôi vượt núi sang Áo và từ đó sẽ sang BRD. Kế họach này nghe chừng có vẻ khả thi nhất và thế là tôi đã cùng một bạn gái người Cuba, cũng đang không muốn quay trở về Cuba, lên đường.

Một bác sỹ của nhà thờ ở Dresden cấp cho tôi một giấy chứng chỉ là tôi không thể bay được máy bay và chuyến bay dành cho tôi đã bay về Hà nội không có tôi. Tôi cùng bạn lên đường: 3 lần chúng tôi lên tàu thì cả 3 lần chúng tôi đều bị phát kiện và bị đuổi xuống tàu. Bạn tôi nhụt chí, đầu hàng và trở về Cuba, tôi dời chuyển từ Leipzig về Dresden.

Tôi được bí mật nhắn tin là đất nước tôi đã đặt sẵn cho tôi một chuyến bay khác. Một chị bạn nói với tôi rằng: bây giờ thì em phải đi đến nơi nguy hiểm nhất lại chính là nơi an tòan nhất. Chị ấy có một căn hộ ở ngay cạnh Đại sứ quán Việt nam tại Đông Berlin và cho tôi ở nhờ trong nhà đó. Chị chuẩn bị cho tôi đồ ăn thức uống, mấy cuộn vải và một cái máy khâu: chị ấy dặn tôi tuyệt đối không được ra khỏi nhà. Thế là tôi đã may 55 bộ váy mùa hè để chị bán ngòai chợ ở Berlin và chờ cho chuyến bay trôi qua.

Đất nước tôi đã không tìm thấy tôi ở Dresden cho kịp chuyến bay đó và một lần nữa một máy bay về Hà nội không có tôi, nhưng lại chở đầy những người Việt nam khác bị trục xuất vì tội buôn lậu đồng hồ điện tử từ Tiệp khắc sang Đông Đức, như sau này tôi được nghe kể lại.

Thế là tôi đã vượt  qua được thời gian lưu vong cho đến năm 1987 khi đất nước tôi ký một hiệp định với các nước xã hội chủ nghĩa và bắt đầu đưa người hàng loạt sang lao động xuất khẩu tại Đông Đức và ở Dresden bỗng dưng người ta cần phiên dịch và giáo viên tiếng Đức trầm trọng.

Trich từ vở kịch Vùng Biên giới

Đổ tường

Ngày mùng chín tháng mười một khi bức tường Berlin sụp đổ, lúc đó tôi đang tham gia biểu tình ở Dresden và mãi đến cuối tuần đó tôi mới đi tàu lên Tây Berlin. Việc đầu tiên là tôi mua ngay một bản đồ thành phố của Tây Berlin, sau đó tôi vào một trạm điện thoại tự động và gọi điện cho tất cả bạn bè của mình ngày xưa đã trốn đi thoát và thăm được tất cả mọi người, ngày hôm sau tôi lại quay trở về Dresden, mặc dù tất cả các bạn tôi đều bảo tôi đúng là điên rồi. Mùa hè năm đó, khi làn sóng trốn đi sang Tây Đức đang nổi cồn tôi cũng có ý định sẽ trốn đi nhưng không hiểu sao tôi lại không có hứng thú đi nữa mặc dù lúc đó tôi cũng đã có visa sang Hungari trong tay rồi. Tôi không muốn xô mình vào làn sóng ra đi đó nữa và tự nhủ mình không nhất thiết phải đi ngay bây giờ, cuối cùng là cho đến hôm nay tôi vẫn còn ở đây...

Trich từ vở kịch Vùng Biên giới

http://mirrors.creativecommons.org/international/vn/translated-license.pdf